Cập nhật tin tức mới nhất về Amazing Cup 2024 - XEM NGAY

Kinh nghiệm quản lý rủi ro về giá cà phê tại các nước

Kinh nghiệm quản lý rủi ro về giá cà phê tại các nước

Qua theo dõi các bài viết trên Y5Cafe, có một bạn đặt câu hỏi cách quản lý tại các nước như Brazil, Indonesia như thế nào (http://giacaphe.com/10991/nong-dan-muon-canh-tranh-binh-dang.html). Hiện tại, mình đang làm luận văn tốt nghiêp với đề tài “Sử dụng công cụ thị trường để quản lý rủi ro giá và cung cấp tín dụng cho ngành cà phê tại Việt Nam” và có dịch được một số nội dung tóm tắt nói về kinh nghiệm quản lý rủi ro về giá tại các nước như Colombia, Costa Rica, Brazil…

Nay, xin nhờ Y5Cafe gởi đến cho cả nhà xem qua. Có ý kiến hoặc thắc mắc gì, mời các anh chị, cô chú chia sẻ thêm để mình càng hiểu thêm vấn đề, vì trước tới giờ chưa từng kinh doanh qua cà phê bao giờ. Xin chân thành cảm ơn.

Colombia:

Những người trồng cà phê tại Colombia được tổ chức trong Liên đoàn nông dân trồng cà phê Colombia (National Coffee Growers Federation of Colombia – Federacafé).

Federacafé mua cà phê từ người sản xuất, chế biến cà phê, bán chúng cho thị trường trong nước và hoạt động như một công ty xuất khẩu (cạnh tranh với công ty tư nhân).

Một trong những mục tiêu chính của Federacafé là bảo vệ thu nhập của người nông dân thông qua việc đảm bảo giá cho họ. Việc đảm bảo mức giá trong nước như vậy thông qua quỹ bình ổn, Quỹ cà phê quốc gia (National Coffee Fund). Đây là một quỹ công được quản lý bởi Federacafé, hoạt động theo hợp đồng được tái ký kết hằng năm. Quỹ hoạt động ở cấp độ xuất khẩu, bao trùm cả Federacafé và công ty xuất khẩu tư nhân. Nguồn lực tài chính được tích lũy trong suốt thời gian giá thế giới cao được sử dụng để hỗ trợ giá trong nước khi giá thế giới thấp.

Trong suốt giai đoạn giá cà phê thấp kéo dài bắt đầu từ cuối những năm 90, khi giá trong nước cứ mỗi vài tuần lại được điều chỉnh giảm để giữ cho FNC không mắc nợ, Federacafé đã xem xét khả năng sử dụng hợp đồng giao sau và quyền chọn nhằm đảm bảo quỹ FNC không bị mất hết. Nhưng giá tăng trở lại và những thảo luận đó đã tạm gác lại.

Costa Rica:

Costa Rica lại có một hệ thống cà phê đặc biệt khác. Nông dân không bán mà vận chuyển cà phê đến công ty chế biến – công ty này sẽ chế biến và bán cà phê trên danh nghĩa nông dân; lợi nhuận được chia ra.

Là một phần của hệ thống, nông dân sẽ nhận được khoản tiền ứng trước, vài tháng trước khi vận chuyển cà phê đến nhà máy chế biến. Công ty chế biến thanh toán một phần nữa khi nông dân vận chuyển cà phê đến, và phần còn lại (thông thường khoảng 40%) sẽ thanh toán sau khi xuất khẩu.

Hầu hết những công ty chế biến là tư nhân, nhưng nhóm chế biến lớn thứ hai tại Costa Rica do Liên đoàn Hợp tác xã nông dân trồng cà phê (Federation of Cooperatives of Coffee Growers) nắm giữ.

Điều này mang lại cho nông dân mức giá tối thiểu một cách hiệu quả. Và cũng hấp dẫn nhà chế biến sử dụng hợp đồng quyền chọn để chốt giá bán tối thiểu: họ có thể sử dụng hợp đồng quyền chọn để cung cấp mức giá tối thiểu cao hơn cho nông dân và do đó tăng tính cạnh tranh so với những công ty chế biến khác (khu vực chế biến tại Costa Rica rất cạnh tranh) – và tránh rủi ro nếu như giá giảm, sẽ gây tổn thất lớn. Hợp đồng quyền chọn do đó được sử dụng rộng rãi kể từ những năm đầu thập niên 90.

Guatemala:

Nông dân trồng cà phê tại Guatemala có mức độ phòng hộ tương đối cao, đó là do chương trình xây dựng và đào tạo năng lực lâu dài của Liên hiệp nông dân trồng cà phê quốc gia (National Coffee Growers’ Federation – Anacafé).

Đây là tổ chức tư nhân hoạt động phi lợi nhuận. Anacafé chỉ là nhân tố tạo điều kiện thuận lợi chứ không cung cấp tín dụng cũng không phải là môi giới. Nông dân tiếp cận tín dụng ngân hàng thương mại thuận lợi hơn thông qua hệ thống tín dụng được Anacafé giới thiệu vào năm 1994. Sử dụng các công cụ quản lý rủi ro là điều kiện tiên quyết để tham gia vào chương trình tín dụng này. Điều này làm giảm đáng kể rủi ro cho ngân hàng, cho phép họ cung cấp tín dụng cho nông dân trồng cà phê với lãi suất thấp nhất (theo ước tính của Anacafé, điều này dẫn tới tiết kiệm lãi suất cho nông dân được hơn 10% giá trị khoản vay – khoảng 2 triệu USD mỗi năm). Các cuộc phỏng vấn trong những năm đầu của thế kỷ 21, khi giá cà phê chạm tới mức thấp nhất trong lịch sử, nông dân cho rằng chính sách phòng hộ là nhân tố quan trọng giúp họ duy trì cuộc sống.

Hệ thống này có những thành phần sau:

  • Anacafé tổ chức đào tạo nhiều lĩnh vực khác nhau cho nông dân: giúp nông dân hiểu và tính toán chi phí sản xuất; giải thích cơ chế hoạt động của tín dụng nông nghiệp; và giải thích cách thức mà các thị trường thế giới xác định giá cà phê, và cách mà rủi ro được quản lý. Anacafé duy trì việc cập nhật thông tin thị trường cho nông dân – nông dân nhận được các máy nhắn tin cung cấp giá trên các thị trường giao sau. [1]
  • Nhân viên Anacafé sẽ đánh giá sản lượng tiềm năng và hỗ trợ nông dân những giấy tờ cần thiết để làm thủ tục vay.
  • Anacafé cung cấp cho nông dân danh sách các ngân hàng mà Anacafé ký kết thỏa thuận, và tùy nông dân chọn ngân hàng nào. Đơn vay và các giấy tờ cần thiết sẽ được Anacafé chuyển đến cho ngân hàng.
  • Thông thường ngân hàng sẽ chấp nhận khoản vay nhưng với điều kiện là nông dân phải tham gia vào một chiến lược phòng hộ (có thể chọn các công cụ như: hợp đồng kỳ hạn giá cố định, bán hợp đồng giao sau, mua hợp đồng quyền chọn bán, chiến lược collar…).
  • Nông dân thường phòng hộ rủi ro về giá thông qua một công ty xuất khẩu mà họ giao dịch với cùng khối lượng hàng mà họ sẽ giao. Công ty xuất khẩu quản lý rủi ro bằng cách bán hợp đồng giao sau hoặc mua hay bán hợp đồng quyền chọn trên NYBOT. Công ty xuất khẩu thường tài trợ tài chính trước cho các chiến lược quản lý rủi ro: họ sẽ trả phí quyền chọn, sau đó trừ vào giá cà phê khi nông dân giao hàng, và cả các yêu cầu ký quỹ. [2] Anacafé cung cấp thông tin và hỗ trợ công ty xuất khẩu quản lý rủi ro (nếu như nông dân không giao hàng, công ty xuất khẩu có thể chịu những khoản lỗ không được bù đắp khi ở vị thế trong các hợp đồng giao sau và quyền chọn), nhưng không đưa ra bất kỳ đảm bảo nào. Cũng như vậy, Anacafé không giúp nhà xuất khẩu có được nguồn quỹ để tài trợ tài chính cho những giao dịch này. Điều này rõ ràng là phần yếu nhất của hệ thống: nhà xuất khẩu đơn giản là không có đủ nguồn tiền để quản lý rủi ro giá của rất nhiều nông dân.

Tất cả nông dân trong nước, theo quy định của luật, đều liên kết với Anacafé và có thể tham gia chương trình này. Những nông dân nhỏ (và nhiều nông dân tại Guatemala sản xuất ít hơn 2.000-3.000 lbs, so với kích thước hợp đồng giao sau NYBOT là 37.500 lbs) cũng có thể sử dụng các công cụ quản lý rủi ro bằng cách tập hợp nhiều nông dân nhỏ lại với nhau. Hợp tác xã cũng có thể tham gia – ví dụ, trong một trường hợp, một hợp tác xã 400 thành viên, bao gồm nhiều nông dân không biết chữ, cùng phòng hộ trên thị trường New York. Phần trăm nông dân tham gia phòng hộ tăng từ 0% đến khoảng 20% vào cuối những năm 90, đó là kết quả của những hoạt động của Anacafé. Trong một cuộc phỏng vấn [3], nhiều nông dân tham gia đã cho biết chính sách phòng hộ của họ có vai trò chủ chốt để duy trì cuộc sống.

Những năm đầu thập niên 90, Guatemala cũng sử dụng khoản vay liên kết với giá hàng hóa [commodity price-linked loan]. Anacafé phát hành một trái phiếu trên thị trường vốn của Mỹ, lợi nhuận sẽ cho nhà xuất khẩu cà phê của nước này vay lại – những nhà xuất khẩu đã trải qua giai đoạn sụp đổ của thị trường cà phê trong cuối những năm 80.

  1. Anacafé nhận 1% mức phí mà nông dân phải trả dựa trên số tiền tín dụng mà họ vay.
  2. Ngân hàng không sẵn sàng tài trợ tài chính trước cho các chi phí phòng hộ này là một trở ngại chính gây khó khăn cho việc mở rộng hoạt động phòng hộ của nông dân. Đây cũng là nguyên nhân quan trọng giải thích tại sao công ty xuất khẩu thường đê nghị nông dân sử dụng collar, cũng được biết với tên gọi “hợp đồng quyền chọn chi phí bằng 0”: phí mua quyền chọn bán sẽ được bù đắp bằng phí bán quyền chọn mua – nông dân được bảo vệ khỏi rủi ro giá giảm nhưng đồng thời cũng từ bỏ tất cả hoặc một phần lợi nhuận nếu giá tăng.
  3. Thực hiện năm 2000, là một phần nghiên cứu của Lực lượng đặc nhiệm về quản lý bất trắc trong nông sản hàng hóa ở các nước đang phát triển (International Task Force on Commodity Risk Management in Developing Countries), Ngân hàng Thế giới, và kinh nghiệm của Guatemala được đề cập như một trong những nội dung chính trong phim tài liệu nói về sự phù hợp của quản lý rủi ro giá cho các nước đang phát triển.

Ấn Độ:

Cà phê (Robusta cũng như Arabica) được sản xuất tại các bang phía Bắc của Ấn Độ, bởi nông dân quy mô nhỏ cũng như đồn điền quy mô vừa. Một vài đồn điền sử dụng thị trường giao sau London và New York, số còn lại đều gián tiếp thông qua hợp đồng PTBF . Nông dân quy mô nhỏ thì chưa tiếp cận được loại hợp đồng này. Tuy nhiên, có nhiều nông dân quy mô nhỏ (đặc biệt ở Kerala, bang biết đọc biết viết nhiều nhất Ấn Độ) hiểu biết về thị trường giao sau vì họ trồng cà phê kết hợp với hồ tiêu, mà Ấn Độ thì có thị trường giao sau hồ tiêu hoạt động sôi nổi trong thời gian dài.

Dựa trên nền tảng này, đã có rất nhiều nỗ lực để thiết lập thị trường giao sau cà phê trong nước trong 10 năm qua. Những nỗ lực này cho tới nay không hoàn toàn thành công (hợp đồng lớn nhất hiện tại giao dịch cà phê Robusta ở Sàn giao dịch hàng hóa Multi Commodity Exchange của Ấn Độ, có tổng cộng 145.000 hợp đồng từ khi sàn bắt đầu hoạt động vào cuối tháng 1/2007 cho tới cuối tháng 4). Khó khăn phải đối mặt ở đây là: chuyển những người sử dụng thị trường quốc tế sang thị trường trong nước; sự chống đối của một vài, nhưng không phải là tất cả, những công ty thương mại lớn (sàn hàng hóa cung cấp tính minh bạch và giúp những người tham gia nhỏ cạnh tranh hơn, và điều này chẳng có lợi ích gì cho một số công ty đó); khó khăn trong việc thiết lập tiêu chuẩn phù hợp; và thị trường này không thu hút nhiều giao dịch bởi vì, ít nhất là trong giai đoạn các sàn lớn trong nước bắt đầu những hợp đồng này, giá cà phê tương đối ổn định. Tuy nhiên, các nỗ lực vẫn tiếp diễn.

Nicaragua:

Cà phê là cây trồng mang lại thu nhập chính của Nicaragua, hầu hết được sản xuất bởi chừng 30.000 nông dân nhỏ. Nicaragua là một trong những nước sản xuất cà phê trong chương trình của Lực lượng đặc nhiệm về quản lý bất trắc trong nông sản hàng hóa ở các nước đang phát triển (International Task Force on Commodity Risk Management), và là nước thực hiện thành công giao dịch đầu tiên theo chương trình này. Giao dịch đầu tiên này được ký vào tháng 10/2002, theo đó, một nhóm khoản 250 nông dân mua trực tiếp quyền chọn bán trước khi thu hoạch nhằm bù đắp rủi ro giá trong suốt thời gian bán trong năm mùa vụ. Do đó, nông dân có khả năng tránh được việc bán ngay lập tức trong thời gian thu hoạch, và họ có khả năng điều chỉnh thời gian bán tốt hơn. Quyền chọn thông qua thị trường phi tập trung OTC, do một công ty giao dịch cà phê Thụy Sĩ cung cấp.

Tanzania:

Những nỗ lực ban đầu nhằm mang quản lý rủi ro giá đến cho nông dân trồng cà phê tại Tanzania và Uganda đã đạt được một ít thành công bền vững. Ngân hàng địa phương – Ngân hàng Thương mại và Phát triển Đông và Bắc Phi (Eastern and Southern African Trade and Development Bank – PTA Bank) bắt đầu một “Hợp đồng đảm bảo giá” (“Price Guarantee Contract Facility”) vào năm 1994, theo đó, PTA Bank xây dựng chương trình quản lý rủi ro giá và cung cấp tín dụng thương mại cho cà phê và bông (hầu hết tập trung vào thời gian sau thu hoạch và dựa trên chứng thư gửi kho). Nhiều hội thảo được tổ chức tại 8 nước trong các nước thành viên, nhiều nhà xuất khẩu và chế biến tham gia, cùng một hoặc hai hợp tác xã nông nghiệp. Nhưng chương trình đảm bảo giá này từ từ biến mất dần trong nửa sau những năm 90.

Là một trong những dự án đầu tiên thực hiện bởi Lực lượng đặc nhiệm về quản lý bất trắc trong nông sản hàng hóa ở các nước đang phát triển (International Task Force on Commodity Risk Management), hợp tác xã lớn nhất của Tanzania – Kilimanjaro Native Cooperative Union (KNCU), với hàng ngàn thành viên, được hỗ trợ trong giai đoạn 2000-2002 phát triển một chương trình quản lý rủi ro giá. Kết quả là, năm 2002 mua hợp đồng quyền chọn bán cho 700 tấn cà phê. Một ngân hàng Hà Lan thông qua ngân hàng địa phương – Ngân hàng Phát tiển Hợp tác xã nông thôn (Cooperative Rural Development Bank – CRDB) cung cấp hợp đồng quyền chọn giá trung bình. Điều này cho phép hợp tác xã duy trì việc đảm bảo giá tối thiểu cho thành viên và thanh toán những khoản tiếp theo nếu giá cao hơn sau khi thu hoạch. Giá tối thiểu cho thành viên cao hơn giá mà hợp tác xã nhận được khi bán cà phê, do đó hợp tác xã quyết định phòng ngừa rủi ro cho năm mùa vụ tiếp theo sau. Thêm vào đó, ngân hàng địa phương tài trợ tài chính cũng khuyến khích hợp tác xã tìm kiếm sự bảo vệ giá cho mùa vụ 2002-2003.

Nhưng KNCU không phòng ngừa rủi ro cho tất cả các năm tiếp theo. Thay đổi trong cách quản lý của hợp tác xã là một trong những nguyên nhân – ban quản lý hợp tác xã không tin rằng giá sẽ giảm, cho nên tai sao phải trả cho phí quyền chọn? Tuy nhiên, CRDB đã thực hiện quản lý rủi ro giá cho một phần hoạt động của mình.

Mexico

ASERCA (Apoyos y Servicios a la Comercialization Agropecuaria) là một tổ chức thuộc chính phủ, có trách nhiệm cung cấp các dịch vụ cho khu vực nông nghiệp trong nước, bao gồm mua (có trợ cấp) hợp đồng quyền chọn mua và hợp đồng quyền chọn bán cho nông dân trồng lúa, bông và cà phê, cũng như cho công ty chế biến gạo. ASERCA trực thuộc Bộ Nông nghiệp và được thành lập năm 1991 nhằm tạo thuận lợi cho việc chuyển đổi nông nghiệp Mexico từ hệ thống thị trường chịu sự can thiệp của nhà nước sang hệ thống thị trường tự do.

Kinh nghiệm quản lý rủi ro về giá cà phê tại các nước   Phần 3
Một nông trường cà phê ở Mexico

ASERCA tham gia vào quản lý rủi ro giá bắt đầu vào năm 1992/1993, đầu tiên là cung cấp cho nông dân trồng lúa, hạt có dầu và bông khả năng tự bảo hiểm cho chính mình trước rủi ro giá giảm; công cụ được sử dụng là hợp đồng quyền chọn và giao sau lúa mì, bắp, đậu nành, bông tại các sàn Chicago và New York, cũng như hợp đồng hoán đổi gạo. Mục tiêu năm đầu tiên hoạt động là đảm bảo nguồn quỹ đủ để trợ cấp cho nông dân. Chương trình cung cấp hợp đồng quyền chọn cho nông dân được giới thiệu vào năm 1994, sau đó dần dần phát triển và mở rộng. Năm 1999 giới thiệu hợp đồng quyền chọn bán cho nông dân trồng cà phê và quyền chọn mua cho người chăn nuôi. Theo chương trình này, nông dân mua quyền chọn bán từ các văn phòng của ASERCA tại địa phương, sau đó ASERCA sẽ mua hợp đồng quyền chọn trên danh nghĩa người nông dân tại các sàn giao dịch phù hợp (New York đối với cà phê và bông, Chicago đối với gạo vào đậu nành) thông qua môi giới tại Mỹ. Trong thực tế, ASERCA hoạt động như một môi giới bằng cách tập hợp những rủi ro giá của nhiều nông dân và phòng ngừa tại các sàn thích hợp.

Cho đến năm 1997, ASERCA trả 2/3 chi phí quyền chọn và tập trung quản lý tất cả các vị thế. Trợ cấp của ASERCA giảm xuống 50% vào năm 1998. Cho đến năm 1999, nông dân cũng có thể có được mức trợ cấp cao hơn (100% cho đến năm 1998, 75% vào năm 1998 và 1999) thông qua một chương trình tiết kiệm, nếu họ đồng ý đóng một khoản phí danh nghĩa vào quỹ (quỹ này dành để đầu tư và chi tiêu cho các sự kiện bất ngờ). ASERCA cũng có các chương trình huấn luyện nâng cao với sự hỗ trợ của các công ty môi giới tại Mỹ.

Chương trình được sự đón nhận tích cực từ nông dân. Năm 2000, 17% sản lượng lúa mì sử dụng quyền chọn bán theo chương trình này, 13% sản lượng lúa, và 32% sản lượng bông. Tuy nhiên, sự thu hút bởi nhà sản xuất cà phê vẫn còn nhỏ. Một trong những lý do là có nhiều nông dân kém tổ chức, và mức độ học vấn nhìn chung khá thấp.

Những phê bình, tranh luận trên chương trình quản lý rủi ro này có 2 điểm: đầu tiên, người nông dân không bắt buộc phải mua quyền chọn bán vào một thời điểm cụ thể, nên thường nông dân chỉ mua quyền chọn bán trước khi thực sự ký kết hợp đồng kỳ hạn hoặc bán trên thị trường giao ngay. Thứ hai, chương trình giống một chương trình chuyển giao thu nhập, chuyển giao thu nhập từ chính phủ sang cho người nông dân, hơn là một chương trình quản lý rủi ro giá có chiến lược.

Những bài học được rút ra từ kinh nghiệm quản lý rủi ro giá của các nước

Trong những năm 90, có vẻ như trong cộng đồng phát triển quốc tế, hợp tác xã đóng vai trò là một trung gian quan trọng giữa nông dân và các thị trường quản lý rủi ro. Trong phạm vi nào đó, điều này cũng có thể hiểu được, vì hầu hết từng cá nhân nông dân quy mô quá nhỏ để quản lý rủi ro hiệu quả, và dạng thức nào đó nhằm tập hợp họ lại là điều cần thiết.

MỘT. Tuy nhiên, là bài học kinh nghiệm đầu tiên, quan điểm này trong thực tế được chứng minh là không hữu ích, vì 2 lý do:

  • Thứ nhất, đa số nông dân tại các nước đang phát triển – và điều này không có gì khác đối với nông dân trồng cà phê – không được tổ chức trong các hợp tác xã hiệu quả.
  • Thứ hai, thậm chí các hợp tác xã được tổ chức tốt thường có những vấn đề nội tại (chẳng hạn, các nhà quản lý được chỉ định và luân chuyển đều đặn; ra quyết định quan liêu) đã ngăn cản sử dụng hợp lý các thị trường quản lý rủi ro.

Kinh nghiệm cho thấy hiệp hội nông dân có thể đóng vai trò quan trọng, và yếu tổ then chốt nằm ở sự kết hợp giữa những hiệp hội này (dạng chính thức như hợp tác xã, và dạng phi chính thức như các nhóm quảng bá [marketing groups]), và các tổ chức bên ngoài (ngân hàng hoặc cơ quan nhà nước, chẳng hạn). Những động lực giữa hai tổ chức này có thể giúp áp dụng các chiến lược quản lý rủi ro một cách bền vững.

HAI. Bài học thứ hai là với KYC [2], trực tiếp tham gia vào các thị trường giao sau tại các nước phát triển của hiệp hội nông dân các nước đang phát triển hầu như là không thể. Nông dân sẽ cần hoặc là sàn giao dịch địa phương, hoặc là trung gian trong nước – tổ chức có quy mô và hiểu biết nhằm mở tài khoản giao dịch với môi giới hoặc ngân hàng tại các nước phát triển.

BA. Bài học thứ ba là kết hợp quản lý rủi ro và cung cấp tín dụng mang lại nhiều lợi ích. Tổ chức cung cấp tín dụng có thể đóng vai trò như một cửa ngõ để quản lý rủi ro (đặc biệt khi mà họ đã có sẵn những mối quan hệ cần thiết với cộng đồng tài chính quốc tế), và cung cấp nguồn quỹ cần thiết cho việc thanh toán phí quyền chọn [premium] hoặc thậm chí trang trải cả yêu cầu ký quỹ [margin calls]. Nhìn từ gốc độ của tổ chức cung cấp tín dụng, việc này cũng sẽ làm giảm rủi ro tín dụng và mang lại nguồn thu nhập mới.

BỐN. Bài học thứ tư là không có giải pháp quản lý rủi ro nào “một cho tất cả”. Thậm chí trong một nhóm, nông dân thích có được một loạt các giải pháp và tự mình sẽ lựa chọn một hay nhiều giải pháp trong số đó. Khái niệm rủi ro và sự sẵn sàng thanh toán, hoặc từ bỏ một phần tiềm năng lợi nhuận khi giá tăng lên trong tương lai, quản lý rủi ro sẽ khác biệt giữa người nông dân này với người nông dân kia. Những kế hoạch được gọi là tốt khi mà chúng mang đến những lựa chọn như vậy.

NĂM. Cuối cùng, kinh nghiệm cho thấy một bài học cũng khá quan trọng: khái niệm các công cụ quản lý rủi ro dựa vào thị trường, chẳng hạn như hợp đồng giao sau, quyền chọn và những sản phẩm không chính thức bắt nguồn từ những hợp đồng đó không khó khăn để hầu hết nông dân hiểu thấu. Thật vậy, họ sẵn lòng hiểu những công cụ nào đủ tốt đủ thực hiện những lựa chọn cơ hội cho mình. Khi nông dân có xu hướng lạc quan – người nông dân ở đâu trên thế giới cũng có xu hướng đánh giá thấp rủi cả – điều này ám chỉ rằng, chẳng hạn như, họ muốn chốt giá trong tương lai tại thời điểm giá cao; trong khi nếu giá thấp, họ nghĩ rằng có thể giá sẽ tăng và không cần thiết phải phòng ngừa rủi ro giá giảm. Cho nên, có trường hợp một hợp tác xã (chẳng hạn trường hợp của hợp tác xã KNCU tại Tanzania) có hiểu biết về thị trường và chiến lược quản lý rủi ro và đã có một năm thực hiện chiến lược quản lý rủi ro thành công, hợp tác xã này không muốn tiếp tục chiến lược đó trong năm tới. Nói cách khác, tổ chức cung cấp quản lý rủi ro không nên kỳ vọng một lượng khách hàng ổn định.

  1. Website của ASERCA: http://www.infoaserca.gob.mx/
  2. Know-Your-Customers (KYC) là sự đánh giá với trách nhiệm cao nhất và là quy định của ngân hàng mà theo đó các tổ chức tài chính và các công ty có liên quan phải xác định khách hàng của họ và tìm hiểu chắc chắn những thông tin có liên quan đến vấn đề tài chính. (http://en.wikipedia.org/wiki/Know_your_customer)

Tác giả: Phương Nguyễn
Email: menfuong@gmail.com
Điện thoại: 0909 147 845

Bài trước Bài sau
This site is protected by reCAPTCHA and the Google Privacy Policy and Terms of Service apply.